Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Khẩn trương triển khai ứng phó với bão Noru

31/10/2023 - 05:10

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: HL

 

Bão Noru có thể gây mưa rất lớn, kéo theo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất
Về diễn biến và hiện trạng bão Noru, theo báo cáo về Công tác chuẩn bị ứng phó bão số 4 của Ban Công tác xã hội – Quản lý thảm họa: Sáng sớm ngày 26/9, bão Noru đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Lu-Dông (Phi-lip-pin), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022.
Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Hồi 04 giờ, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 119,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây đảo Lu-Dông (Phi-lip-pin), cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 810km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 230km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 04 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,9 độ Vĩ Bắc; 114,6 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Sỹ Pha – Trưởng ban Công tác xã hội – Quản lý thảm họa, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hiện có 1 đội Ứng phó thảm họa (NDRT); 37 đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh (PDRT) được củng cố, kiện toàn (trong đó có 9 đội phối hợp với sự tham gia của một số thành viên đến từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn); duy trì 671 đội ứng phó thảm họa cấp cộng đồng (CDRT) với 14.000 thành viên. Hàng hóa dự trữ tại Trung ương Hội gồm 4.900 thùng hàng gia đình, hơn 2.000 bộ dụng cụ sửa nhà, 1.600 tấm bạt, máy lọc nước, bột lọc nước, bình lọc nước, nhà bạt…

 

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh chuẩn bị thuyền máy chủ động sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của bão Noru. Ảnh: CTĐ Hà Tĩnh

 

Chủ động chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Là địa phương nằm sát biển, chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão Noru, Quảng Ngãi đã chủ động chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp. Trong đó có huy động lực lượng tình nguyện viên tham gia hỗ trợ người dân; vận hành lại hệ thống máy lọc nước để kiểm tra, chuẩn bị cho tình huống thiếu nước sạch vệ sinh. Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi cũng chuẩn bị thùng hàng gia đình để cứu trợ khẩn cấp khi cơn bão đi qua.
“Là một trong 4 tỉnh chịu ảnh hưởngcon bão số 4, Quảng Ngãi rất mong Trung ương Hội và các tỉnh bạn sẽ hỗ trợ, vận động kịp thời để giúp đỡ người dân 4 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cùng vượt qua khó khăn này”, đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ mong muốn.

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng cho biết: Trong 2 ngày qua, Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng thường xuyên dự họp của địa phương, rà soát cơ sở sơ tán để cho người dân có chỗ trú ẩn và lương thực sử dụng.
Đà Nẵng có gần 70.000 người cần sơ tán, với số lượng người dân cần sơ tán lớn Hội Chữ thập đỏ đã phối hợp cùng các cấp, các ngành để đảm bảo khâu phòng ngừa, ứng phó với thiên tai được chuẩn bị kỹ càng.

Cụ thể, với mỗi xã phường được phân công 1 cán bộ Chữ thập đỏ và thêm 5 tình nguyện viên hỗ trợ sơ tán. (Tổng cộng khoảng 300 tình nguyện viên hỗ trợ việc sơ tán). Hội đã chuẩn bị khoảng 1 tỷ tiền mặt để đề phòng cho việc mua sắm lương thực, thực phẩm, cứu trợ tiền mặt… Ngoài ra, Sở Công Thương thành phố đã có phương án chuẩn bị lương thực, nước uống, nhiên liệu, các nhu yếu phẩm; phối hợp với các quận, huyện có phương án bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại những trung tâm mua bán, siêu thị, chợ.
Phát biểu tại buổi họp, bà Lê Thu Hiền – Phó Ban Truyền thông, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Ban Truyền thông sẵn sàng tiếp nhận, đăng tải hình ảnh, thông tin về huy động nguồn lực, kịch bản cho việc ứng phó với bão Noru qua các kênh truyền thông. Đồng thời, Ban Truyền thông cũng bày tỏ mong muốn các tỉnh Hội cung cấp các hình ảnh chuẩn bị trước bão như: Chằng chống nhà cửa, thu hoạch nông sản, hỗ trợ người dân khi khẩn cấp…
“Khi cung cấp ảnh cần thông qua hình ảnh logo, màu cờ sắc áo để nhận diện được hình ảnh Chữ thập đỏ. Đặc biệt, cần lưu ý về đảm bảo an toàn cho lực lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên trong hoạt động cứu trợ, truyền thông. Để thông tin được chính xác, nhanh chóng, đại diện Ban truyền thông đề xuất đội phản ứng nhanh của các tỉnh, Hội có một cán bộ chuyên trách về hình ảnh, thông tin và một lãnh đạo trực tiếp trả lời về báo chí, truyền thông các thông tin về siêu bão Noru”, bà Lê Thu Hiền nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Vĩnh Hòa – Phó Ban Đối ngoại và Phát triển, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Ban Đối ngoại và Phát triển đã chủ động phối hợp cùng Hiệp hội Chữ thập đỏ quốc tế đưa các thông tin về bão Noru và sẽ có trang tin hàng ngày về tình hình ứng phó với bão tại các tỉnh. Trong trường hợp phóng viên, các đoàn quốc tế vào Việt Nam hỗ trợ, đưa tin… Ban Đối ngoại sẽ phối hợp cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Công an để giải quyết các thủ tục nhanh nhất…

 

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Nam cùng Đội Ứng phó cộng đồng của tỉnh hỗ trợ chằng chống nhà cửa cho bà con xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ. Ảnh: CTĐ Quảng Nam

 

Trực ứng phó bão Noru 24/24
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh đánh giá cao các tỉnh, thành Hội đã có sự chỉ đạo, chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị và phối hợp cùng các bên liên quan để sơ tán, chuẩn bị chỗ trú ẩn, lương thực, thực phẩm cho người dân.    

Để chủ động ứng phó với diễn biến nguy hiểm của cơn bão Noru, ông Nguyễn Hải Anh – Phó Chủ tịch  Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề nghị các tỉnh, thành Hội, các ban, đơn vị thuộc Trung ương Hội tập trung chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với bão Noru theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư – phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), với tinh thần khẩn trương, quyết liệt.      Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đề nghị các tỉnh, thành Hội thường xuyên theo dõi bão, hoàn lưu bão, kịp thời thông tin đến các cấp Hội, các địa phương để có biện pháp ứng phó phù hợp. Với các tỉnh nằm trong rủi ro thiên tai cấp 4, cấp 3 đề nghị tập trung toàn lực cho công tác phòng, ngừa, chuẩn bị ứng phó với bão; tạm dừng, hoãn một số các cuộc họp không thực sự cần thiết để lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống bão. Đề nghị các tỉnh, thành Hội trực ứng phó với bão 24/24 để kịp thời báo cáo với Trung ương về tình hình của địa phương. Các tỉnh, thành Hội tạm đình hoãn tất cả các cuộc họp không cần thiết để tập trung cho công tác ứng phó với bão. 

Phối hợp với Ban Chỉ huy về phòng, chống thiên tai và các cấp chính quyền ở địa phương triển khai lực lượng thực hiện nhiệm vụ, có biện pháp đảm bảo sự nhận diện của lực lượng cán bộ, tình nguyện viên, hội viên Chữ thập đỏ… cũng như các biện pháp để bảo đảm tính mạng cho cán bộ, hội viên, tình nguyện viên…
“Đề nghị kích hoạt các đội phản ứng nhanh của địa phương, sẵn sàng tham gia cùng các cấp, chính quyền địa phương để sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn. Hỗ trợ nhân dân trước, trong và sau bão, đặc biệt là giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, thu hoạch lúa, hoa màu…”, ông Nguyễn Hải Anh nhấn mạnh.

HM

Tin liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *