Cấp phát tiền đa mục đích tại xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch.
Dự án “Cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại Việt Nam” đã hỗ trợ phát triển sinh kế, sửa chữa nhà ở và tiền mặt đa mục đích cho 1.405 hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với 4.178 khẩu, tổng số tiền 3.532.193.265 đồng. Dự án hỗ trợ thực hiện 4 hợp phần cụ thể: Hỗ trợ cấp phát tiền mặt đa mục đích; hỗ trợ phục hồi sinh kế; hỗ trợ sửa chữa nhà ở; hỗ trợ bộ dụng cụ sửa nhà tại 4 xã Cảnh Hóa, Phù Hóa thuộc huyện Quảng Trạch và xã Mỹ Trạch, Hưng Trạch thuộc huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình. Thông qua sự hỗ trợ của Dự án đã trợ giúp kịp thời cho nhiều hộ gia đình ổn định sinh kế, an ninh lương thực, có nhà ở an toàn trong mùa mưa bão.
Ngôi nhà mới của bà Phạm Thị Thược ở thôn Kinh Nhuận, xã Cảnh Hoá, huyện Quảng Trạch.
Một trong những ngôi nhà được dự án hỗ trợ sửa chữa với số tiền 15 triệu/hộ là gia đình bà Phạm Thị Thược ở thôn Kinh Nhuận, xã Cảnh Hoá. Bà đã trên 90 tuổi đang ở cùng người con gái 55 tuổi, lấy chồng bị mất nay về ở cùng mẹ. Cuộc sống hằng ngày của gia đình dựa vào người con đi làm thuê và tiền trợ cấp là 360.000 đồng/tháng. Cả gia đình sống trong ngôi nhà cấp 4 xiêu vẹo đã xuống cấp trầm trọng, khi nước lũ vào không có nơi tránh trú. Gia đình bà là hộ nghèo, mọi thứ đều thiếu thốn, thêm vào đó bản thân bà lại ốm đau triền miên không đủ tiền chữa bệnh. Chi sẻ với chúng tôi, bà nói “Mệ chịu khổ quen rồi, khổ cũng sẽ qua, với mong muốn lớn nhất là được Dự án, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ cho gia đình mệ một ngôi nhà để ở trong phần đời còn lại và khi bão, lũ đến có nơi để tránh trú”. Dự án “Cứu trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại Việt Nam” triển khai tại địa bàn xã Cảnh Hóa, niềm mơ ước của bà Thược trở thành hiện thực, khi gia đình bà nhận được nguồn tiền của Dự án cùng sự giúp đỡ của bà con, họ hàng lối xóm, ngôi nhà của bà đã được sửa chữa hoàn thành đưa vào sử dụng, hệ thống mái ngói được thay mới. Bà vui mà rơm rớm nước mắt: “Cuộc sống của mệ đã trên 90 tuổi rồi mà không có ngôi nhà kín đáo để dung thân, nay may nhờ dự án mới có nơi để tránh mưa gió trong quãng đời còn lại”.
Chị Hoàng Thị Nguyệt, hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo ở thôn Cấp Sơn, xã Cảnh Hoá, huyện Quảng Trạch
được hỗ trợ vốn để chăn nuôi.
Bên cạnh hỗ trợ sửa chữa nhà, mô hình hỗ trợ sinh kế của dự án với 5.000.000 đồng/hộ đã thật sự hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo bị thiệt hại do mưa lũ. Một trong những gia đình đó là gia đình chị Hoàng Thị Nguyệt, 45 tuổi, là hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo ở thôn Cấp Sơn, xã Cảnh Hoá. Chị Nguyệt không có chồng sống cùng con nhỏ. Thu nhập gia đình cả 02 nhân khẩu chỉ trông chờ vào 2 sào lúa nước và thả vài con gà, gia đình chị cứ đến tháng giáp hạt lại túng thiếu phải đi làm thuê để kiếm sống và trang trải việc học hành cho con. Người phụ nữ có khuôn mặt hiền từ chia sẻ trong niềm phấn khởi: “Được sự giúp đỡ nguồn vốn của dự án cấp, chị mua 03 con heo lứa, chủ động kiếm thức ăn, có người em hỗ trợ chuồng trại và cùng sự hướng dẫn của thú y xã về kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, chọn con giống heo, những kiến thức đó đã góp phần làm thay đổi cách chăn nuôi của gia đình. Từ diện thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 360.000 đồng/tháng, nay nhờ dự án mà chị có điều kiện để phát triển sinh kế, sau 5 tháng chăn nuôi, gia đình chị đã cho đàn heo phát triển tốt, dự định 01 tháng nữa sẽ xuất chuồng. Đây là sự động viên kịp thời đối với gia đình chị, đàn heo sẽ giúp chị tăng thêm thu nhập, có điều kiện để mua thuốc phòng lúc ốm đau, số ít thì mua thức ăn cải thiện cuộc sống, con cái học hành lại vừa có tiền để sắm những vật dụng bị lũ cuốn trôi”.
Cấp phát bộ dụng cụ sửa nhà tại xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch.
Những hoạt động thiết thực của dự án với các mô hình cứu trợ phục hồi và tái thiết đã “tiếp sức” cho những hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình khó khăn tạo động lực để họ vươn lên trong cuộc sống và lan tỏa tình yêu thương, trách nhiệm trong cộng đồng. Đồng thời đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững tại các địa bàn hưởng lợi dự án.
Mậu Thường