Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội tặng quà cho gia đình bệnh nhân tại “xóm chạy thận” gần Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp (huyện Thanh Trì).
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, sứ mệnh của Hội Chữ thập đỏ là “Vì mọi người, ở mọi nơi”, nên ở đâu càng có nhiều người dân gặp khó, bị tổn thương, thì ở đó càng cần lực lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ có mặt kịp thời để ứng cứu, hỗ trợ. Thế nên, mỗi người tham gia công tác Hội, tổ chức triển khai hoặc đồng hành với các chương trình, hoạt động của Hội Chữ thập đỏ đều là những người làm việc tốt, nêu cao tinh thần vì cộng đồng.
Theo hướng này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chú trọng đào tạo cán bộ, mở rộng mạng lưới hội viên, tình nguyện viên. Đến nay, cả nước có gần 17.000 cán bộ, hơn 3,2 triệu hội viên, tình nguyện viên tham gia sinh hoạt tại hơn 10.000 đội, nhóm, câu lạc bộ Chữ thập đỏ cùng gần 4 triệu thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ trường học, tạo thành mạng lưới những người sẵn sàng làm việc thiện phân bố rộng khắp các địa phương, vùng miền.
Mỗi người một phần việc, ai có của góp của, có công góp công, ai có kỹ năng thì tham gia sơ cấp cứu, ứng phó với thiên tai, thảm họa…, tạo thành nguồn lực xã hội không nhỏ để trợ giúp người gặp khó vươn lên.
Riêng năm 2022 vừa qua, tổng trị giá hoạt động của các cấp Hội Chữ thập đỏ đạt hơn 4.737 tỷ đồng, trợ giúp về nhiều mặt cho gần 18,8 triệu lượt người, trong đó công tác xã hội nhân đạo đạt trị giá hơn 3.729 tỷ đồng, bằng gần 80% tổng nguồn lực trợ giúp.
Đặc biệt, thông qua phong trào “Người tốt, việc thiện”, năm 2022, nhiều tổ chức, cá nhân có sáng kiến, sáng tạo trong việc vận động nguồn lực cũng như phương thức trợ giúp.
Có thể kể đến mô hình “Hệ sinh thái chăm lo cho bệnh nhân nghèo” tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (thành phố Hồ Chí Minh); mô hình “Cá nhân tình nguyện viên” của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh với mục tiêu mỗi người làm một việc tốt tổng hợp lại sẽ thành vườn hoa việc tốt; mô hình “Chuyến xe nghĩa tình” thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đưa bệnh nhân nghèo xuất viện trở về nhà…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo phải tiêu tốn rất nhiều tiền để điều trị, khiến kinh tế gia đình bệnh nhân thường khó khăn. Do đó, việc bố trí những chuyến xe nghĩa tình đưa bệnh nhân nghèo về nhà vừa là việc nghĩa, vừa chia sẻ khó khăn với bệnh nhân, nên rất cần được nhân rộng.
Tiếp tục chia sẻ khó khăn với người nghèo, người dễ bị tổn thương, năm 2023, các cấp Hội Chữ thập đỏ đặt mục tiêu trợ giúp thường xuyên, đột xuất cho ít nhất 2 triệu lượt người; tổng số lượt người được trợ giúp bằng hoặc cao hơn năm 2022.
Với mong muốn đưa nguồn lực trợ giúp đến với đối tượng nhanh nhất, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nghiên cứu xây dựng ứng dụng “Thiện Nguyện”; hoàn thiện hệ thống nhân đạo số (Inhandao). Những đơn vị, địa phương có trường hợp khó khăn cần trợ giúp sẽ đưa lên hệ thống nhân đạo số để cộng đồng biết và chung tay ủng hộ, qua đó những tấm gương người tốt, việc thiện sẽ xuất hiện nhiều hơn, lan tỏa nhanh hơn.
Đặc biệt, trong Tháng Nhân đạo năm 2023 (diễn ra từ ngày 1 đến hết ngày 31-5), toàn Hội phấn đấu vận động nguồn lực đạt trị giá hơn 500 tỷ đồng để tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp người gặp khó. Nhằm hoàn thành những mục tiêu nhân văn, trong năm 2023, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ phát động phong trào “Người tốt, việc thiện – Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” trên quy mô rộng.
Từ thực tế triển khai các phong trào, hoạt động ở cơ sở, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Yến tin tưởng, phong trào “Người tốt, việc thiện” sẽ nhận được sự hưởng ứng, tham gia tích cực từ cộng đồng.
Xuân Quý Mão đã về. Hy vọng những giá trị tốt đẹp, nhân văn cao cả sẽ ngày càng lan tỏa, thấm sâu khi phong trào “Người tốt, việc thiện” được triển khai rộng rãi.
Minh Vũ (HNM)