Nữ tiền vệ bóng đá có cái tên rất mộc mạc ấy sinh ra trong một gia đình thuần nông tại xã Tân Minh (Thường Tín, Hà Tây, nay là Hà Nội). Trong mắt giới chuyên môn, quả bóng đồng Việt Nam 2011 luôn là một trong những nhân tố rất quan trọng – một “nhạc trưởng” của đội bóng đá nữ hà nội cũng như đội tuyển quốc gia…
Cũng giống như nhiều cầu thủ bóng đá nữ khác, với Nguyễn Thị Muôn, bóng đá không chỉ đơn thuần là một sở thích mà là một niềm đam mê cháy bỏng, được nuôi dưỡng từ những tháng ngày “chơi ké” với đám con trai, trên những mảnh sân ruộng. Lớn thêm nữa, cô bé có phong cách đầy “nam tính” ấy đến ứng tuyển vào đội bóng đá nữ Hà Tây, rồi mau chóng phát triển tài năng nhờ những tố chất đặc biệt.
Sở trường ở vị trí tiền vệ, lối chơi của Muôn khá đơn giản, không ngại va chạm trong tranh chấp, thu hồi bóng một cách quyết liệt và có thể đưa ra quyết định kiến tạo rất nhanh. Bởi vậy mà cô đã mau chóng được góp mặt trong đội hình của Hà Tây, giành chức vô địch quốc gia lần đầu tiên cũng là duy nhất) vào năm 2006 (khi mới 18 tuổi).
Thật đáng tiếc rằng tới năm 2007, khi mới 19 tuổi, trong một trận đấu giải VĐQG, Muôn đã gặp phải một chấn thương rất nghiêm trọng: Đứt dây chằng đầu gối (loại chấn thương từng khiến nhiều cầu thủ bóng đá phải giã từ sự nghiệp hoặc không thể tìm lại phong độ cao được nữa). Rất nhiều người đã lo ngại và tiếc nuối thay cho cô. Trong bối cảnh trình độ y học thể thao còn chưa phát triển, liệu có cơ hội nào để Muôn trở lại và tiếp tục phát triển tài năng hay không? Bản thân cô cũng phải đứng trước sự lựa chọn: Dừng lại để tìm kiếm một cơ hội mới, theo một “ngã rẽ” mới, hay kiên trì chữa trị chấn thương và chờ đợi cơ hội hồi phục? Cuối cùng, cô đã quyết tâm gắn bó với bóng đá, tiếp tục những tháng ngày điều trị, tập luyện để phục hồi thể chất cũng như hy vọng có thể tìm lại phong độ.
Chính ý chí và nghị lực tuyệt vời, cộng thêm sự động viên của gia đình và đồng đội đã giúp Muôn vượt lên trên thử thách, để rồi trở lại với bóng đá vào năm 2008 – thời điểm Hà Tây đã sáp nhập vào Hà Nội, Muôn tiếp tục chơi bóng rất thành công trong màu áo Hà Nội 2 (Hòa Hợp Hà Nội) cùng với các đồng đội tài năng khác như Đào Thị Miện, Nguyễn Thị Đăng, Lê Thị Oanh, Nguyễn Thị Minh Nguyệt… và được gọi vào đội tuyển quốc gia lần đầu tiên ngay trong mùa giải ấy, khi cô mới tròn 20 tuổi.
Không những thế, cô còn cho thấy sự tiến bộ rõ rệt, có vị trí chính thức trong đội hình giành tấm HCV SEA Games 25 năm 2009. Còn gì tuyệt vời hơn đối với một nữ cầu thủ vừa 21 tuổi như cô?
Thời điểm Muôn trở lại với bóng đá cũng là khi nhiều tài năng của đội tuyển thuộc lứa trước đó đã nghỉ thi đấu. Bởi vậy, cũng có thể xem đó như một cơ duyên để cô mau chóng có được vị trí chính thức và khẳng định chỗ đứng của mình trong màu áo đội tuyển quốc gia. Từ mùa giải 2010, Nguyễn Thị Muôn được điều chuyển về “biên chế” của đội Hà Nội 1, và nhanh chóng khẳng định được vị trí chính thức của mình bên cạnh các đồng đội mới.
Trong sơ đồ chiến thuật 5-3-2 yêu thích của HLV Trần Vân Phát, vị trí của Muôn – tiền vệ phòng ngự – có vai trò vô cùng quan trọng. Đấy vừa là “lá chắn” phía trước các trung vệ (trong tổ chức phòng ngự), vừa là “bàn đạp” hữu hiệu cho hàng tấn công nếu hoạt động hiệu quả. Và cô đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình tại những trận đấu quan trọng, trước các đối thủ sừng sỏ.
Một điều nữa khá đặc biệt ở Muôn, đó là khả năng dâng cao hỗ trợ hàng tấn công. Cô không những có thể điều tiết nhịp độ mà còn có thể tung ra những đường chuyền sắc sảo hoặc tự mình thực hiện những cú dứt điểm chớp nhoáng. Ở mùa giải VĐQG 2014, dù chơi ở vị trí tiền vệ, nhưng Muôn vẫn là Vua phá lưới với 6 bàn thắng, góp công vào ngôi vô địch của đội bóng Thủ đô. Còn sang mùa giải 2015, thì cô cũng là một trong những cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải, chỉ sau đồng đội Phạm Thị Hải Yến.
Tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 17 năm 2014 ở Incheon (Hàn Quốc), Nguyễn Thị Muôn đã thi đấu rất xuất sắc trong thành phần đội tuyển Việt Nam, giành hạng Tư chung cuộc một cách đầy ấn tượng. Giới chuyên môn nhận định vai trò của Muôn như một “nhạc trưởng” ở khu vực giữa sân, người góp phần tạo thêm tự tin cho các đồng đội không chỉ ở hàng tấn công mà cả tuyến phòng ngự.
Một chiến công vô cùng đáng nhớ khác trong sự nghiệp của cô chính là tấm HCV SEA Games 29 (2017) tại Singapore, một giải đấu mà người hâm mộ bóng đá nước nhà đã rất thất vọng với thành tích của đội U-23 nam, nhưng tấm HCV bóng đá nữ đã làm vợi đi nói buồn ấy.
Sau mùa giải bóng đá VĐQG 2018 – giải đấu mà Muôn vẫn là đội trưởng của Hà Nội, “nữ chiến binh thầm lặng” chính thức rời sân cỏ ở tuổi 30, để lại nhiều tiếc nuối nơi giới mộ điệu.