Nguyễn Thị Lệ Dung – Đệ nhất kiếm chém Đông Nam Á

31/10/2023 - 05:10

Duyên kiếm đặc biệt của chị em song sinh

Lệ Dung vẫn còn nhớ như in lần đầu tiên đi thi tuyển VĐV đấu kiếm ở Trung tâm Thể thao huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Đó là một ngày cuối năm 2001, khi đoàn tuyển quân của Sở TDTT về huyện tuyển lứa VĐV đầu tiên cho đội kiếm Hà Nội để chuẩn bị cho SEA Games 22. Lúc ấy cô gái người Sóc Sơn 16 tuổi đã cùng cô chị song sinh Nguyễn Thị Hoài Thu đề tên ứng thí, nhưng bị loại ngay từ lần đầu tuyển chọn vì chiều cao chỉ mấp mé 1,61m, Còn thân hình thì gầy nhẳng như “Đôn Kiôtê”. Phải đến kỳ tuyển VĐV lần thứ hai của Trung tâm Thể thao Sóc Sơn, cô gái sinh năm 1985 và người chị song sinh Nguyễn Thị Hoài Thu mới trúng tuyển và được đánh giá là có sải tay dài. Cuối năm 2001, lúc đó đang học lớp 11, hai chị em Lệ Dung – Hoài Thu được đưa về Hà Nội tập luyện ở đội kiếm trẻ Hà Nội.

Lệ Dung và Trần Thị Len giành thêm 2 HCV đấu kiếm - Báo Người lao động

Lệ Dung kể: “Lúc đầu, khi hai chị em đăng ký dự tuyển đã vấp phải sự ngăn cản kịch liệt của gia đình. Hai chị em thuyết phục, nhưng ban đầu mẹ Dung chỉ đồng ý cho một trong hai chị em theo đấu kiếm, thế là cả hai chị em lại phải đi vận động các bác, cô, chú bạn bè bố mẹ để mọi người tác động giúp, sau đó cả hai mừng rơn vì cuối cùng mẹ cũng đồng ý. Xa nhà, hai chị em bảo ban nhau tập luyện. Thứ bảy cuối tuần, song sinh kiếm thủ lại trèo lên xe buýt đi 35 cây số về nhà. Bố mẹ vừa mừng vừa lo, chẳng biết con mình có đủ sức theo nghề hay không, rồi cứ đao với kiếm như thế sau này liệu có lấy được chồng.”

Nguyễn Thị Lệ Dung xếp hạng 16 - Tuổi Trẻ Online

Và dần, mọi khúc mắc đã được giải quyết nhờ quyết tâm, nỗ lực và những bước tiến phi thường của Dung khi chỉ mất đúng hai năm để trở thành “đệ nhất” kiếm chém Đông Nam Á, bắt đầu từ tấm HCV cá nhân và HCV đồng đội tại SEA Games 2003. Để có được thành tích ban đầu này, Dung đã phải rất cố gắng tập luyện để vượt qua bản thân mình. Khi mới tập đấu kiếm, Dung gầy gò và thể lực rất yếu, chỉ có lợi thế là sải tay dài. Vì thế, việc đầu tiên của Dung là phải tập thể lực mới đáp ứng được yêu cầu tập luyện. Buổi sáng, cô gái người Sóc Sơn phải dậy từ 5h30 để tập luyện, sau đó đi học văn hóa, chiều lại tập.

“Tập với cường độ cao, có những lúc mình tưởng rằng không thể vượt qua được những bài chống đẩy, chạy bộ, bật xa… Những buổi tập luyện như vậy gần như vắt kiệt sức lực tôi. Để có thể lực tốt hơn, sau giờ tập, các đồng đội về nghỉ, tôi phải ở lại để tập luyện thêm, cứ thế, mỗi ngày nỗ lực hơn một chút, có thế tôi mới đủ sức khỏe để luyện tập và thi đấu được”, Dung nhớ lại những ngày đầu tập luyện môn kiếm.

“Quên” lấy chồng, giành suất Olympic

Năm 2016, 31 tuổi, trong khi các đồng đội cùng lứa đầu của đấu kiếm Việt Nam đa số đã giải nghệ chuyển sang làm thầy và yên bề gia thất từ lâu, thì Lệ Dung vẫn bám trụ tới cùng. Cuộc sống của cô không có gì thay đổi, với 8 tiếng mỗi ngày giam mình nơi 4 bức tường của phòng tập, trong bộ giáp phục, chiếc mặt nạ cùng những thanh kiếm. Nhìn lại hành trình đằng đẵng ấy, chính Dung cũng phải kinh ngạc. Cô từng nhiều lần quyết tâm dừng lại để lo cho tương lai của mình song không nổi. Một phần vì quá đam mê, phần quan trọng khác bởi không bứt ra nổi trước gánh nặng thành tích, trước niêm tin yêu, trông đợi của cả đội kiếm. Nên, chính nghiệp đấu kiếm đã khiến cô phải đánh đổi quá nhiều, không chỉ là những năm tháng tuổi trẻ mà phần nào đó cả hạnh phúc riêng tư. Thế nhưng, Dung chắc hẳn đã không hề phải nuối tiếc về những hi sinh đó, khi cô đã vươn tới những thành quả sáng giá trong sự nghiệp, với đỉnh cao cuối cùng là lần đầu tiên giành suất chính thức tới Olympic, một mục tiêu với cô tưởng như xa vời.

Với bộ môn kiếm Hà Nội, “Đệ nhất kiếm chém’ Đông Nam Á là một hình mẫu thành công đặc biệt, nhất là sức vươn, sự bền bỉ mà như đánh giá của giới chuyên môn phải vài thập kỷ may ra mới có người thứ hai. Điều này được minh chứng, trước khi có vé tới Brazil, Dung từng trải qua ba cuộc chinh phục bất thành, bắt đầu từ Olympic 2004. Trong đó đáng tiếc nhất, tại giải đấu loại Olympic 2008, Dung lọt vào tới trận chung kết, chỉ cách giấc mơ đúng một chiến thắng nữa rồi phải ôm hận vì gặp phải đối thủ quá mạnh, trong khi mình non kinh nghiệm. Sau 12 năm, tại Giải vô địch châu Á đồng thời là vòng loại Olympic 2016, Dung có màn “phục thù” hoàn hảo với 5 trận thắng ngoạn mục trước 5 đối thủ sừng sỏ, kết thúc bằng việc hạ gục Tiffani (Đài Loan, Trung Quốc) với tỉ số 15-13 nghẹt thở đề cập bến Rio 2016,

Sau 15 năm cống hiến cho thể thao Việt Nam, hi sinh tuổi thanh xuân và chuyện riêng tư, kiếm thủ Lệ Dung giành được cho mình bộ sưu tập thành tích đáng nể. Trong sự nghiệp thi đấu của mình, Lệ Dung đã tham dự 5 kỳ SEA Games liên tiếp (2003, 2005, 2007, 2011, 2015, năm 2009 và 2013 nước chủ nhà không tổ chức nội dung kiếm chém) và giành tới 9 HCV, 1 HCB SEA Games; 1 HCĐ đồng đội châu Á; 1 HCĐ đồng đội trẻ châu Á; 9 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ Giải vô địch Đông Nam Á; 2 HCV Đại hội TDTT toàn quốc 2010, 2014, đỉnh cao là tấm vé dự Olympic Rio 2016.

Lệ Dung lần thứ 5 giành HCV SEA Games

Olympic Rio là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng trong sự nghiệp của Lệ Dung. Sau khi chia tay sự nghiệp VĐV, Dung tiếp tục chiến đấu với chấn thương sụn gối. Sau gần một năm chờ đợi, tháng 7/2017, Lệ Dung đã được ngành thể thao Việt Nam tạo điều kiện sang bệnh viện Raffles (Singapore) phẫu thuật chấn thương sụn hai đầu gối. Và ca mổ đã thành công. Chữa trị xong chấn thương, đầu năm 2018, Lệ Dung chính thức chuyển sang làm HLV của kiếm chém nữ Hà Nội với mong ước, một ngày không xa có thể sẽ nhìn thấy các học trò viết tiếp giấc mơ cho thế hệ mình bằng những tấm huy chương ở đấu trường ASIAD mà xa hơn là Olympic.

Trước đó, để chuẩn bị cho sự nghiệp HLV, Lệ Dung đã tốt nghiệp Đại học TDTT Bắc Ninh và hiện đang tiếp tục theo học cao học. Đầu năm 2018, thì nhận những đóng góp của cô cho thể thao Thủ đô, Lệ Dung đã được đặc cách suất biên chế làm việc tại Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *