Tham dự có bà Bùi Thị Hòa, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; ông Trần Xuân Điền, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.Hồ Chí Minh
Phát biểu khai mạc chương trình ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam cho biết: Trong nhiều năm qua các cán bộ, công nhân và người lao động Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, gian khổ, đoàn kết để lao động sản xuất. Là một trong số các doanh nghiệp luôn làm tốt công tác an sinh – xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân và người lao động, đặc biệt là công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động, bởi sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của nhân dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước.
Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm luôn được Tổng Công ty quan tâm trong mỗi giai đoạn phát triển, luôn xác định việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động là kim chỉ nam của Đảng bộ, Hội đồng thành viên Tổng Công ty và cũng là làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ”. Tổng Công ty là một trong những Doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn trên thế giới với mức chế biến và xuất khẩu bình quân hàng năm đạt khoảng 2,8 – 3,0 triệu tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu hàng năm trên 1 tỷ USD, doanh số trên 30.000 tỷ đồng. Hiện nay, Tổng Công ty có nhiều công ty thành viên trực thuộc chuyên về sản xuất, điều này có nghĩa là nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động cũng nhiều.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác sơ cấp cứu tại cộng đồng, ngày 26/6/2024, Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã ký kết chương trình phối hợp giữa Trung tâm Dịch vụ Nhân đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Tổng Công ty Lương thực miền Nam về 6 nội dung hoạt động nhân đạo trong giai đoạn 5 năm, trong đó có nội dung tổ chức các hoạt động đào tạo tập huấn về kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho người lao động. Cũng tại chương trình khai mạc ông Nguyễn Văn Hiển đánh giá rất cao tính chuyên nghiệp của Trung tâm Dịch vụ Nhân đạo trong các hoạt động xã hội, đặc biệt là hoạt động đào tạo tập huấn kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu. Đây là nội dung rất cần thiết, thiết thực cho người lao động mà đơn vị đang rất quan tâm, đề nghị Trung tâm Dịch vụ Nhân đạo trong năm 2024 tập trung nhân lực để mở các khóa đào tạo tập huấn sơ cấp cứu cho các Công ty thành viên trực thuộc Tổng Công ty, đảm bảo tiến độ 100% các Công ty thành viên hoàn thành chương trình tập huấn sơ cấp cứu cho cán bộ, công nhân viên và người lao động trước tháng 12 năm 2024. Ngoài ra sẽ triển khai đồng bộ các nội dung phối hợp khác trong thời gian 5 năm hai bên đã ký. Tổng Công ty Lương thực miền Nam sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và tạo mọi điều kiện để Hội Chữ thập đỏ làm tốt công tác huấn luyện sơ cấp cứu, với mong muốn tạo cho bất cứ ai đang làm việc, lao động sản xuất tại đơn vị có cảm giác bình an, mọi người đều quan tâm giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, nâng cao kiến thức sơ cấp cứu để cứu mình, cứu người và đó là kỹ năng sống cần thiết trong một xã hội hiện đại, văn minh.
Phát biểu chỉ đạo tại Chương trình khai mạc chiến dịch tập huấn sơ cấp cứu, Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam: Sơ cấp cứu, hoạt động có ý nghĩa sâu sắc đối với sự hình thành và phát triển của Phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, là một trong những hoạt động truyền thống của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được quy định trong Luật Hoạt động Chữ thập đỏ. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngay từ khi được thành lập, cán bộ, hội viên của Hội đã gắn với hình ảnh vai đeo túi cứu thương sơ cấp cứu cho người dân trong các cuộc kháng chiến của dân tộc. Ngày nay, Hội đã và đang không ngừng mở rộng hợp tác với các đối tác thuộc Phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế quốc tế và các đối tác quốc tế khác ngoài Phong trào để phát triển các hoạt động sơ cấp cứu. Từ năm 1992, Hội đã triển khai các hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng với các mô hình Đội sơ cứu lưu động, Đội taxi/Đội Xe ôm an toàn, Trường học an toàn; thành lập các trạm, chốt, điểm sơ cấp cứu tại các vị trí hay xảy ra tai nạn giao thông, đuối nước để kịp thời sơ cứu cho người bị nạn. Đầu tư, chú trọng phát triển đội ngũ Tập huấn viên, hướng dẫn viên sơ cấp cứu làm nhiệm vụ huấn luyện sơ cấp cứu cho lực lượng tình nguyện viên và người dân tại cộng đồng.
Năm 2014, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 17/2014/TT-BYT hướng dẫn về công tác huấn luyện sơ cấp cứu của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Với sự giúp đỡ của Hiệp hội Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và các quốc gia trong phong trào, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xây dựng được bộ tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu để đào tạo đội ngũ tập huấn viên, hướng dẫn viên, tình nguyện viên và người dân. Bộ tài liệu đã được Bộ Y tế phê duyệt. Hiện tại Hội đã có hơn 300 tập huấn viên, hướng dẫn viên cấp quốc gia đạt chuẩn theo chương trình của Bộ Y tế. Hằng năm các cấp Hội đã triển khai tập huấn cho khoảng 60.000 người là cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và người lao động tại các cơ quan, doanh nghiệp, giáo viên, học sinh, lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã và người dân sống dọc theo các trục đường quốc lộ trọng điểm hay xảy ra tai nạn giao thông, các địa bàn dân cư hay xảy ra thiên tai, thảm họa, đội ngũ cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông…
Tai nạn, thương tích có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi và chắc chắn không thể có đủ nhân viên y tế tại chỗ để xử lý đúng cách, kịp thời. Nếu tai nạn hoặc bệnh tật đột ngột xảy ra, nạn nhân có thể bị ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn, thì lúc này việc sơ cứu tại chỗ vô cùng quan trọng vì thời gian vàng chỉ có thể trong vòng vài phút. Sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách sẽ góp phần quan trọng cứu tính mạng nạn nhân, làm giảm chi phí chữa trị, tăng cơ hội phục hồi chức năng cho nạn nhân, giảm gánh nặng chăm sóc và chi phí cho gia đình họ và giảm chi phí an sinh xã hội.
Sơ cấp cứu ban đầu tại cộng đồng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên và hoạt động thiết thực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đây là mục tiêu của nhiều bộ, ngành chức năng, tổ chức, trong đó có Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Công tác sơ cấp cứu tại cộng đồng được xem là có vai trò tiên quyết trong việc cứu sống tính mạng và khả năng phục hồi của nạn nhân sau này, góp phần hạn chế tỷ lệ tử vong. Công tác sơ cấp cứu không phải của riêng ngành y tế, đòi hỏi phải có sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng, của các cấp, các ngành. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của người dân ngày càng cao, do vậy người dân cũng cần có nhu cầu kiến thức về sơ cấp cứu để tự bảo vệ bản thân mình trong mọi tình huống không may xảy ra, đặc biệt trong lao động sản xuất. Đây là hướng đi mới phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.
Chính vì vậy, ngày hôm nay được tham dự buổi khai mạc Chương trình tập huấn sơ cấp cứu cho cán bộ, công nhân và người lao động của Công ty cổ phần lương thực, thực phẩm Colusa – Miliket, tôi rất vui mừng vì đội ngũ lãnh đạo của Tổng Công ty Lương thực miền Nam đã rất quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và người lao động. Đây thực sự là một chủ trương đúng đắn, thiết thực, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Với vai trò, nhiệm vụ và kinh nghiệm của mình, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khẳng định sẽ phối hợp với Tổng Công ty triển khai tốt các khóa huấn luyện tại các Công ty thành viên. Yêu cầu Trung tâm Dịch vụ Nhân đạo tập trung mọi nhân lực để hoàn thành chiến dịch tập huấn sơ cấp cứu trong hệ thống Tổng Công ty Lương thực miền Nam trước tháng 12/2024 theo đề nghị của lãnh đạo Tổng Công ty.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nhân đạo Nguyễn Văn Cường cho biết: Hiện Quốc hội và Chính phủ đang giao nhiệm vụ đào tạo, tập huấn sơ cấp cứu cho Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Bộ Y tế; trong đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giữ vai trò nòng cốt và có trách nhiệm triển khai thực hiện tại cộng đồng, đặc biệt là tại các doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước, chia sẻ thêm ông Cường cho biết trong thời gian tới Trung tâm sẽ triển khai tập huấn sơ cấp cứu tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex, Tập đoàn Hóa chất, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam,… Ngoài ra trong giai đoạn 2024-2025 sẽ triển khai đồng bộ tại 15 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương…