Hội thảo về quản lý nhà nước, tài chính và điều kiện hoạt động của các hội quần chúng

31/10/2023 - 05:10

Sáng ngày 27/8, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo về quản lý nhà nước, tài chính và điều kiện hoạt động của các hội quần chúng do Ban Dân vận Trung ương, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính chủ trì.

Hội thảo, đã nhận được nhiều ý kiến tham luận từ đại diện các hội, bộ, ban ngành. Hội Luật gia có một số kiến nghị, đề xuất cơ chế tài chính và điều kiện hoạt động cho các hội quần chúng do Đảng có nhu cầu, chỉ đạo thành lập và giao thực hiện các nhiệm vụ; Hội Nhà báo Việt Nam nêu vai trò trách nhiệm của Hội Nhà báo Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ cách mạng 4.0 gắn với yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường hỗ trợ cơ chế tài chính và điều kiện hoạt động; Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam nêu một số cơ chế, chính sách phát huy vai trò, vị trí của hội quần chúng trong thời gian tới…

Bộ Trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo – Ảnh Đặng Minh Châu

Phát biểu tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nêu khái quát về tính “đặc thù” của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; Cơ chế, chính sách về tổ chức – cán bộ và tài chính đối với Hội và đặc biệt nêu một số kiến nghị đề xuất.

Cụ thể, kiến nghị Bộ Nội vụ, xem xét xây dựng Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thay thế Nghị định 77/1946/NĐ-CP (vì Hội là tổ chức bổ trợ của Chính phủ trong công tác nhân đạo, hoạt động chữ thập đỏ; hoạt động theo Luật trong nước và quốc tế). Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Hội tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hoạt động chữ thập đỏ để kiến nghị, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp tình hình mới. Sửa đổi Nghị định 03/2011 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hoạt động chữ thập đỏ; sửa đổi hoặc ban hành mới Nghị định thay thế Nghị định 45/2010, trong đó cần xác định rõ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức bổ trợ của Chính phủ trong công tác nhân đạo, hoạt động chữ thập đỏ (là một tổ chức không thể thiếu.

Xem xét, quyết định cơ chế tài chính đặc thù đối với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (kể cả cơ chế tài chính đặc thù cho trợ giúp nhân đạo ở nước ngoài; tiếp nhận, quản lý, sử dụng hàng cứu trợ…). Giao Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nghiên cứu tham mưu, trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Chiến lược xây dựng và phát triển các chương trình, dự án nhân đạo, chữ thập đỏ bền vững giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2045.

PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội thảo – Ảnh Đặng Minh Châu

Kiến nghị Bộ Tài chính, chủ trì, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ sửa đổi, bổ sung Nghị định 64/2008/NĐ-CP theo hướng đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội trong công tác nhân đạo, hoạt động chữ thập đỏ; Phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xây dựng cơ chế tài chính đặc thù đối với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (kể cả cơ chế tài chính đặc thù cho trợ giúp nhân đạo ở nước ngoài; tiếp nhận, quản lý, sử dụng hàng cứu trợ…) theo tinh thần Chỉ thị số 18-CT/TTg ngày 9/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Nâng cao hiệu quả công tác nhân đạo và hoạt động chữ thập đỏ trong tình hình mới”.

Đồng thời, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu kiến nghị các bộ, ngành ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác nhân đạo, hoạt động chữ thập đỏ, cần nghiên cứu thấu đáo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta và luật pháp quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết; xem xét, đánh giá hiệu quả, tác động trên tất cả các phương diện kinh tế, xã hội, chính trị, đối ngoại, an ninh quốc phòng; nghiên cứu lịch sử hình thành và phát triển của Hội; đánh giá tác động đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, người lao động… Xem xét, cấp phép và phê duyệt Điều lệ Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam; các quỹ hoạt động chữ thập đỏ thành phần (Thủ tướng Chính phủ giao, Hội đã xây dựng Đề án và đang làm thủ tục trình Bộ Nội vụ).

Các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với Hội Chữ thập đỏ, như ngành Y tế, Thương binh – Xã hội, Nông nghiệp, Giáo dục để làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, thực hiện tốt các chính sách xã hội, giáo dục đạo đức lối sống cho thanh thiếu niên, sinh viên, tăng cường lực lượng trong ứng phó khẩn cấp, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hiến máu tình nguyện,…

Nguyễn Hạnh

Tin liên quan

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *