Là một trong những vận động viên wushu tán thủ hàng đầu Việt Nam, Phan Quốc Vinh chuyển sang ngạch huấn luyện viên, huấn luyện đội tuyển trẻ Hà Nội và trẻ Quốc gia khi vừa tròn 23 tuổi và chỉ 6 năm sau đó, Vinh tiếp tục được trao trọng trách gánh vác huấn huyện đội tuyển Quốc gia. Với đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng tình yêu với wushu tán thủ, Vinh đã đưa đội tuyển của mình gặt hái được nhiều thành công, đưa đội tuyển wushu Hà Nội nhiều năm liền luôn đứng đầu Toàn quốc cũng như đội tuyển wushu Quốc gia giành nhiều thắng lợi vẻ vang trên đấu trường khu vực cũng như trên thế giới.
Luôn vượt qua chính bản thân mình, đó chính là kim chỉ nam mà Phan Quốc Vinh đưa ra cho các học trò của mình. Ngày còn là một vận động viên, Vinh đã từng đứng trên đỉnh cao của vinh quang khi nhiều năm Vô địch giải wushu trẻ toàn quốc, rồi vượt qua các đối thủ nặng ký để giành huy chương Vàng giải trẻ Châu á năm 2001, huy chương Vàng Seagame năm 2003, huy chương Vàng vô địch Châu Á năm 2004. Mỗi lần đứng lên nhận huy chương, Vinh thường có thái độ bình thản khiến mọi người xung quanh khá ngạc nhiên, anh lý giải: “Trước mỗi giải đấu lớn, tôi thường rất căng thẳng nhưng sau đạt được thành tích , lên bục nhận huy chương thì tôi thấy mọi chuyện lại trở về bình thường. Giải thưởng vừa nhận được đã đi vào quá khứ, tôi lại tiếp tục tập luyện để chuẩn bị cho giải đấu mới, chinh phục đỉnh cao mới chứ không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng.” Sau này khi trở thành một huấn luyện viên, các học trò của anh cũng bị ảnh hưởng bới cá tính đó từ người thầy của mình và họ đã cùng nhau chinh phục những đỉnh cao mang về nhiều chiến công vang dội của wushu tán thủ Việt Nam. Trong đó, đáng kể nhất có lẽ là hai tấm Huy chương Vàng Seagame 28 năm 2015 ; 3 Huy chương Vàng giải vô địch wushu Châu Á năm 2016 và 1 Huy chương Vàng giải vô địch wushu thế giới năm 2017. Còn nhớ năm 2015 ,kỳ Seagame 28 tại Singgapore, ,nước chủ nhà chỉ cơ cấu cho bộ môn wushu tán thủ hai hạng cân là 60kg và 65kg. Sang đến nơi thầy trò Phan Quốc Vinh mới biết trước mỗi trận đấu, ngày nào cũng kiểm tra cân nặng. Các vận động viên tham gia thi đấu năm đấy vượt số cân quy định, ròng rã suốt thời gian thi đấu, ngày nào mấy thầy trò cũng cùng nhau luyện tập để ép cân. Sáng đi cân kiểm tra, chiều tối thi đấu rồi nhịn đói xuống dưới hầm gửi xe mặc quần áo mưa tiếp tục luyện tập. Phải tập dưới hầm gửi xe cho bí để có thể ra nhiều mồ hôi nhất có thể, thầy trò hò hét nhau đến mức các bác bảo vệ cũng phải xuống xem và nhắc nhở. Có những hôm các vận động viên vừa tập vừa khóc…nhưng vẫn tập, vẫn cố gắng, suốt 4 ngày trời ngày nào cũng tập đến 1 giờ đêm, 7 giờ sáng dậy đi cân rồi ăn sáng với bao quần áo mặc trên người, chiều tối thi đấu rồi về thẳng….hầm để xe tập luyện đến 1 giờ sáng…Những nỗ lực của thầy trò Phan Quốc Vinh đã được đền đáp xứng đáng, wushu tán thủ của đội tuyển Việt nam đã xuất sắc giành trọn 2 tấm huy chương Vàng kỳ Seagame năm đó, Hoàng Văn Cao ở hạng cân 60kg và Nguyễn Văn Tài ở hạng cân 65kg. Với Phan Quốc Vinh, đó là 2 tấm huy chương Vàng quý giá đã để lại dấu ấn sâu đậm không thể nào quên trong sự nghiệp dẫn dắt đội tuyển của mình. Hay như tấm huy chương Vàng ở giải Vô địch wushu Châu Á năm 2016, thầy trò Phan Quốc Vinh đã xuất sắc đánh bại đối thủ Trung Quốc tại vòng chung kết để giành chiếc huy chương Vàng, vượt qua tâm lý e ngại mỗi khi gặp những vận động viên wushu Trung Quốc trên đấu trường Quốc tế.
Wushu (tán thủ) là một bộ môn đối kháng mạnh, khi thi đấu các vận động viên thường ra và nhận đòn trực tiếp và đối phương, tập luyện rất vất vả và điều khó khăn nhất đối với thầy trò Phan Quốc Vinh chính là những chấn thương dai dẳng. Bản thân Phan Quốc Vinh khi còn là vận động viên cũng đã có giai đoạn chỉ 2 ngày trước khi đi thi đấu tại Seagame đã phải nghỉ vì chấn thương 2 đốt sống cổ, bác sĩ khuyên giải nghệ không nên thi đấu được nữa, đó là vào năm 2005. Đến năm 2006, khi diễn ra Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 15 tại Doha, Qatar, dưới sự động viên của huấn luyện viên cùng niềm đam mê với wushu chưa lúc nào nguội, Phan Quốc Vinh đã trái lời bố mẹ để tiếp tục thi đấu. Tại vòng bán kết, dù đã chiến thắng và chuông báo hết giờ nhưng anh vẫn bị đối thủ người Thái Lan đuổi theo đánh đến…tuột khớp vai…Vào trận chung kết với 1 bên chân chấn thương và 1 bên vai tuột khớp, Phan Quốc Vinh năm đó đã tuột mất chiếc Huy chương Vàng mà wushu tán thủ Việt nam luôn mong đợi…Cũng sau kỳ Asiad đó, anh chính thức bước chân vào dẫn dắt đội tuyển wushu trẻ Hà Nội và Quốc gia.
Xuất phát từ một vận động viên đã trải qua đủ cung bậc cảm xúc khi thi đấu, Phan Quốc Vinh luôn đặt mình vào vị trí của các vận động viên để hướng dẫn các học trò của mình khi tập luyện cũng như thi đấu. Có những lúc các học trò tập Vinh cũng tập cùng, khi học trò thi đấu Vinh cũng luôn cũng nghĩ như mình thi đấu và anh luôn đặt mình vào tình huống đó sẽ xử lý ra sao, Vinh tự nhận mình “máu lửa” khi trực tiếp chỉ đạo các học trò của mình thi đấu, với anh, mỗi giải, anh coi như mình phải đấu với tất cả các đối thủ mà các học trò mình gặp, có một câu chuyện cũng khá thú vị về Phan Quốc Vinh, sau mỗi giải đấu là anh thường …lăn ra ốm vì quá căng thẳng, lúc vận động viên nhận huy chương là lúc anh bỏ ra ngoài ngồi một mình…
Còn nhớ thời điểm Vinh bắt đầu nhận cầm quân đội wushu quốc gia năm 2013 là giai đoạn các vận động viên wushu đang chuyển giao giữa các thế hệ, các vận động viên từ đội tuyển wushu trẻ thi đấu ở các giải trẻ quốc tế rất tốt nhưng khi thi đấu ở các giải vô địch quốc tế, đấu cùng các vận động viên đã đạt đẳng cấp quốc tế khác thì kinh nghiệm thi đấu các em chưa nhiều, năm đó wushu tán thủ chỉ có được 2 huy chương đồng Seagame. Sau thất bại đó, Phan Quốc Vinh trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi có chiến lược cụ thể với từng vận động viên để các em có thể phát triển nhanh, bước kịp với các vận động viên trong khu vực, anh chia sẻ : “ Tôi luôn ham học hỏi và tìm tòi, khi có cơ hội sang “cái nôi” của wushu là Trung Quốc tập huấn, không chỉ các vận động viên tập, tôi cũng học hỏi và trau dồi những phương pháp huấn luyện kỹ, chiến thuật mới. Từ đó tôi có thể cập nhật những đòn đánh, những phương pháp mới của wushu Trung Quốc từ đó đưa ra những bài tập hợp lý cho con người và thể trạng của người Việt Nam mình.” Và những nỗ lực của Phan Quốc Vinh cũng như những vận động viên của mình đã đưa wushu Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn, những năm sau đó liên tiếp giành được nhiều thành tích cao, liên tiếp có… “vàng” tại các giải wushu quốc tế lớn.
Cá tính mạnh, hiếu động, nghịch ngợm… nhưng cũng luôn biết lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như luyện tập và thi đấu – đó chính là tính cách điển hình của thầy trò đội wushu tán thủ. Hiện tại, thầy trò Phan Quốc Vinh đang nỗ lực luyện tập để cùng nhau mang về những tấm huy chương danh giá cho Tổ quốc tại các đấu trường quốc tế thời gian tới: Giải vô địch wushu thế giới; Sea Game 30 và nhất là Sea Game 31 được tổ chức tại Việt Nam.