TRUYỀN THÔNG

KHÁI NIỆM CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG 

– Truyền thông là quá trình truyền tải, chia sẻ thông tin và định hướng chuyển đổi hành vi nhằm thuyết phục một người, một nhóm người hay một cộng đồng nhất định tán thành, ủng hộ, làm theo.

– Truyền thông thực hiện thông qua lời nói, ngôn ngữ, tín hiệu, hình ảnh, cử chỉ, hành vi; là quá trình động, liên tục, hai chiều, mỗi cá nhân có thể vừa là nguồn phát, vừa là nguồn nhận thông tin; Truyền thông nhằm cổ vũ điển hình tiên tiến, phê phán thái độ, hành vi thiếu tích cực…

NGUYÊN TẮC CỦA CÔNG TÁC TRUYỀN THÔNG 

– Trong công tác truyền thông, các thông tin cần khách quan, chính xác, tuân thủ các quan điểm của Ðảng và Nhà nước, 7 nguyên tắc cơ bản của phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế: Nhân đạo, Vô tư, Trung lập, độc lập, Tự nguyện, Thống nhất, Toàn cầu.

– Kết hợp truyền thông với tổ chức các hoạt động trợ giúp thiết thực đối tượng tại cộng đồng để tăng hiệu quả truyền thông; tuyên truyền cho nhiều đối tượng, ở các địa điểm, các mốc thời gian và với quy mô khác nhau; lưu ý chuẩn bị tốt 3 khâu cơ bản trong quá trình truyền thông tin, bao gồm: nội dung tuyên truyền (nguồn phát thông tin. Người phát/truyền thông tin (tín hiệu), bản tin, tài liệu, sách báo, tranh ảnh, đồ vật, sự việc… ), các điều kiện đảm bảo (môi trường truyền tin Bao gồm: không gian, địa điểm, thời tiết, quan hệ giữa bên truyền và nhận tin, tâm lý của đối tượng truyền và nhận thông tin), người nghe và sự tiếp thu, phản hồi (đối tượng nhận tin).

– Nội dung truyền thông phải dễ hiểu, sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn người tham gia; liên tục, sâu rộng, kịp thời (thường xuyên, cao điểm, ngay khi sự việc xảy ra), hiệu quả (nhiều người biết, làm theo), rõ ràng (đi thẳng vào vấn đề, trình bày logic, đơn giản, dễ hiểu), cụ thể, đầy đủ, đúng đắn (phản ánh trung thực, tránh phóng đại, định kiến, cảm tính).

HÌNH THỨC VÀ PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG 

– Các hình thức truyền thông bao gồm: truyền thông trực tiếp (thuyết trình trực tiếp cho người nghe tại cộng đồng), truyền thông đại chúng (tuyên truyền thông qua truyền hình, đài phát thanh, báo chí) và truyền thông gián tiếp (thông qua các hội nghị, hội thảo, báo cáo, tờ rơi, tờ gấp, tài liệu…).

– Các phương tiện truyền thông bao gồm: giọng nói (ngữ âm, ngữ điệu), ngôn ngữ không lời (hình thức, cử chỉ, hành vi của người truyền thông); chữ viết (văn bản, báo viết, báo điện tử, tạp chí, bản tin, băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi); công cụ truyền lời nói, hình ảnh (đài phát thanh, truyền hình, điện thoại, Internet, các trang Web…);  hình ảnh, ấn phẩm (biểu tượng, tranh ảnh, biển tường, phim, tiểu phẩm); hoạt động (tham quan thực tế, cổ độngtriển lãm, bảo tàng, phòng truyền thống); các thiết bị (máy chiếu, thiết bị nghe nhìn…)

MỤC ĐÍCH TRUYỀN THÔNG 

  • Nâng cao hình ảnh, vị thế của Hội
  • Tuyên truyền các giá trị nhân đạo. Thay đổi nhận thức hành vi của cộng đồng
  • Vận động nguồn lực
  • Huy động lực lượng
  • Vận động chính sách

CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH:

  • Tuyên truyền về Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế; Các nguyên tắc cơ bản của Phong trào, Luật Nhân đạo quốc tế; tôn chỉ mục đích và hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam;
  • Tuyên truyền các giá trị nhân đạo; truyền thống nhân ái của dân tộc; tư tưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp nhân đạo; đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực nhân đạo, về hoạt động Chữ thập đỏ,
  • Tuyên truyền các lĩnh vực hoạt động của Hội, các điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp nhân đạo.