Trang lịch sử hào hùng
Cồn Cỏ là vọng gác tiền tiêu, là con mắt của khu Vĩnh Linh, là tiền đồn của miền Bắc XHCN, là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam trong những năm thàng chiến tranh chống Mỹ; do đó đảo Cồn Cỏ có vị trí vô cùng quan trọng, mặc dù diện tích chỉ có gần 4km2.Mât Cồn Cỏ, miền Bắc XHCN trực tiếp bị uy hiếp, nhất là vào lúc nguỵ quyền Ngô Đình Diệm không ngớt hô hào lấp sông Bến Hải, Bắc tiến; đế quốc Mỹ từng trắng trợn tuyên bố biên giới Hoa kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17. Mục tiêu của địch là muốn huỷ diệt Vĩnh Linh hoặc chiếm bằng được đảo Cồn Cỏ. Nếu chiếm được đảo, địch sẽ dễ dàng cắt đứt đường tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam trên con đường biển… Gần 60 năm kể từ ngày thành lập lực lượng vũ trang trên đảo (8/8/1959) và gần 14 năm thành lập huyện Đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị (1/10/2004); giờ đây, Đảo Cồn Cỏ đã có nhiều thay da đổi thịt.
Theo một số tài liệu lịch sử ghi lại, sau Hiệp định Giơnevơ (1954), đảo Cồn Cỏ vẫn chưa có sự hiện diện của con người. Nhận biết được vị trí đặc biệt quan trọng của hòn đảo, năm 1959, Tư lệnh và Chính ủy E270 thuộc đặc khu Vĩnh Linh lệnh cho một trung đội pháo 127 ly của Trung đoàn 270 quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu úy Dương Đức Thiện chỉ huy vượt sóng gió tiến ra đảo. Ngày 8/8/1959, lá cờ đỏ sao vàng được cắm lên đảo, khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam.
Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, đảo Cồn Cỏ là nơi trung chuyển người, lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam. Đặc biệt, trong 4 năm từ 1964 đến 1968, quân và dân Vĩnh Linh đã có hơn 4.200 lần chuyến thuyền tiếp tế hơn 2.520 tấn hàng hóa, vũ khí cho đảo. Để ngăn chặn và cắt đứt tuyến đường chi viện của ta, Mỹ – Ngụy đã nhiều lần cho quân đổ bộ, vây ráp, ném bom đánh phá rất ác liệt. Tuy nhiên, bằng niềm tin và ý chí sắt đá bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, đập tan mọi âm mưu của kẻ thù .
Trong quá trình “tiếp máu” cho đảo Cồn Cỏ, hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh cùng quân, dân Vĩnh Linh vĩnh viễn nằm lại với biển khơi tại điểm Bến Nghè. Vượt lên gian khổ, hy sinh, cán bộ, chiến sĩ đảo Cồn Cỏ vẫn vững vàng trên tuyến đầu, viết lên những câu chuyện huyền thoại, đi vào trang sử sách những bài thơ, bài văn sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Cồn Cỏ vinh dự được Quốc hội, Hồ Chủ tịch 2 lần tuyên dương là đơn vị anh hùng và 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang. Toàn đảo được Bác Hồ tặng 2 câu thơ:
“Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận
Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”.
Hành trình của những “Chiến sỹ áo đỏ” về với biển đảo quê hương
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sau kỳ dự họp lần thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã dẫn đầu đoàn đại biểu cán bộ của Trung ương Hội, các huyện, thành của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị, Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản) về thăm huyện đảo Cồn Cỏ anh hùng.
Gần 40 thành viên trong đoàn chỉ có vài ba người thuộc Cục Kiểm ngư và Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Linh đã được ra Đảo còn lại tất cả đều là lần đầu. Chuyến đi này chúng tôi mới có cơ hội thực hiện ước mơ được một lần đặt chân đến đảo Cồn Cỏ – hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc để chứng kiến và ghi nhận sự đổi thay của mảnh đất và con người trên đảo. Nhưng mục đích và ý nghĩa quan trọng hơn cả là thực hiện Chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thủy sản thực hiện nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, ổn định cuộc sống góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Theo kế hoạch, 8h00 sáng, chúng tôi mang theo hàng hóa, quà tặng các cơ quan và người dân có mặt tại cảng Cửa Việt, Quảng Trị lên tàu tiến ra đảo Cồn Cỏ.
Sau hơn hai giờ đi trên biển, chúng tôi cũng đã đặt chân lên đảo an toàn. Giữa biển cả mênh mông, đảo Cồn Cỏ hiện lên với đầy đủ các gam màu. Bên cạnh màu xanh của cây rừng, cây trên trục đường chính là những tòa nhà công vụ, những công trình văn hóa, khu dân sinh, công trường kiến thiết, xây dựng đảo đang vào mùa thi công hối hả.
Đoàn công tác tặng quà trên đảo
Từ ngày thành lập huyện đảo Cồn Cỏ cũng đồng thời đặt tên cho đảo là “Đảo Thanh niên” là huyện đảo trẻ nhất nước, và con người ở đây cũng vậy, thật trẻ trung, mộc mạc, hiền lành. Hai đồng chí nguyên là Bí thư tỉnh đoàn Quảng Trị đã từng được phân công, điều động về làm Bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đều là những cán bộ nhiệt huyết, năng động.
Không ai phân công ai, đoàn những “chiến sỹ áo đỏ” – những người làm công tác nhân đạo chuyên nghiệp, từ bà Chủ tịch Trung ương Hội đến các cán bộ trong đoàn đội nắng gắt giữa trời trưa khuân vác hàng lên đảo, mang theo tình cảm của cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ cả nước và những người dân đóng góp cho Chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương”.
Theo nghi lễ, Đoàn đã dâng hương hoa kính viếng các anh hùng liệt sỹ tại Đài tưởng niệm của Đảo, thăm các công trình, khu di tích, nghe giới thiệu về truyền thống của Đảo kể từ ngày thành lập. Mỗi công trình, bến đá, mỗi mét giao thông hào, đều là những câu chuyện cảm động của một thời gian lao, oanh liệt nhưng rất đỗi tự hào.
Chuyến công tác lần này tại đảo Cồn Cỏ, Đoàn công tác tặng 320 triệu đồng từ Chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương” hỗ trợ trực tiếp cho 19 hộ dân trên đảo làm vốn luân chuyển để phát triển sản xuất bằng các nghề khai thác thủy sản, chăn nuôi, dịch vụ du lịch, chế biến các loại dược liệu quý; hỗ trợ tập huấn cho người dân và các cơ quan kiến thức về sơ cấp cứu tai nạn trên biển, về công tác hiến máu tình nguyện để chủ động cấp cứu khi cần.
Tại buổi trao quà cho các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ trên đảo và bà con, ông Lê Minh Tuấn, Bí thư huyện ủy, kiêm Chủ tịch UBND huyện Đảo thay mặt bà con và các lực lượngtrên đảo bày tỏ niềm vui trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đặc biệt Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cùng với các bộ, ngành liên quan đã triển khai chương trình hướng về biển đảo hỗ trợ một cách thiết thực, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo bằng những món quà ý nghĩa. Nói về đời sống nhân dân và hướng mới mở ra cho đảo Cồn Cỏ, ông Trương Khắc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Sẽ xây dựng đảo trở thành đảo du lịch lịch sử văn hóa, sinh thái, thám hiểm. Hiện một số công trình trọng yếu trên đảo đang được gấp rút thi công để sớm đưa vào sử dụng, đã xây dựng mới trạm y tế, công trình trường mầm non, tiểu học Phong Ba sẽ đáp ứng được nguyện vọng của người dân về chăm sóc sức khỏe và học tập của con em trên đảo. Bên cạnh đó, công tác quốc phòng, an ninh trên Huyện đảo luôn được giữ vững và tăng cường. Hầu hết các gia đình đều có cuộc sống ổn định và luôn nêu cao tinh thần quyết tâm bám đảo.
Về với Cồn Cỏ, một hòn đảo có vị trí địa lý về an ninh quốc phòng đặc biệt quan trọng, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rất lớn, là nơi hội tụ của nhiều hệ sinh thái điển hình vùng biển nhiệt đới; về với những chiến sĩ và người dân kiên cường bám biển, đảo, song mỗi cán bộ Hội Chữ thập đỏ và thành viên Đoàn công tác cảm nhận được niềm vui, niềm vinh dự vì đã chung tay góp sức cùng nhân dân cả nước hướng về biển đảo thân yêu.
Đặng Minh Tiến