Nhiều điển hình phong trào hiến máu
Là đại biểu duy nhất của tỉnh Quảng Ninh nằm trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được BCĐ Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tôn vinh ngày 13/6 tới đây, anh Phùng Văn Trọng (40 tuổi, công chức văn hoá – xã hội phường Đông Mai, TX Quảng Yên) đã có 35 lần tham gia hiến máu.
Chúng tôi gặp anh Trọng vào giờ nghỉ trưa của ngày làm việc đầu tháng 6/2024. Anh Trọng là người hoạt bát, hay cười, yêu thích hoạt động xã hội. Anh Trọng chia sẻ: Tôi tham gia hiến máu lần đầu tiên khi là sinh viên của Trường Đại học Lao động – Xã hội (Hà Nội). Lúc đó tôi chỉ tham gia cho biết khi nhà trường phát động. Kể từ lần ấy, tôi tìm hiểu và thấy rằng, giọt máu tuy nhỏ bé nhưng đã góp phần cứu sống nhiều người. Máu là món quà vô giá mà cuộc sống đã ban tặng cho chúng ta, hàng nghìn người không may mắn, khao khát chờ có máu để được cứu sống. Tôi luôn tự nhủ, hiến máu nhân đạo là một hành động cao cả, một trong những nghĩa cử cao đẹp của con người với con người.
Chính vì quan niệm đó, anh Trọng luôn sẵn sàng tham gia hiến máu tình nguyện tại bất cứ đợt hiến máu nào tổ chức trong điều kiện sức khỏe cho phép. Anh nhớ mãi câu nói “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Chỉ cần mỗi người hiến máu sẽ cứu sống được nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Anh Trọng cho biết: “Sẽ tiếp tục tham gia hiến máu khi nào sức khỏe của bản thân còn cho phép”.
Giống như anh Trọng, bác sĩ Vũ Thị Khánh Huyền (32 tuổi, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh) từ khi còn là sinh viên ngành Y, chị đã hiểu ý nghĩa và giá trị của việc hiến máu nhân đạo cứu người. Khi về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh năm 2017, bác sĩ Huyền đã trực tiếp tham gia hiến máu, thể hiện trách nhiệm của người thầy thuốc trong công tác chăm sóc sức khỏe bệnh nhân, khích lệ lan tỏa tinh thần hiến máu trong cộng đồng.
Đến nay, bác sĩ Huyền đã có 19 lần tham gia hiến máu tình nguyện, trong đó có 14 lần hiến tiểu cầu. Để nắm được thông tin về việc hiến tiểu cầu cấp cứu người bệnh, bác sĩ Huyền tham gia vào nhóm tình nguyện viên hiến tiểu cầu của Khoa Huyết học – Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). “Khi nhận được thông báo có người bệnh cần tiểu cầu gấp, tôi sẵn sàng tham gia hiến, kịp thời cấp cứu, điều trị cho người bệnh” – Bác sĩ Huyền chia sẻ. Bác sĩ Huyền còn tuyên truyền hoạt động hiến máu tình nguyện tới mọi người xung quanh để hiểu đúng về việc hiến máu, lan tỏa nghĩa cử hiến máu trong cộng đồng.
Một tấm gương khác là Trung úy Phạm Hồng Tiến, Đội Chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trung tâm (Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh) đã 15 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Theo anh Tiến, bản thân nhận thức việc hiến máu thể hiện nét đẹp văn hóa của con người, mỗi gia đình và xã hội; anh thường xuyên tuyên truyền vận động ĐVTN trong đơn vị tham gia hiến máu tại các chương trình hiến máu trên địa bàn. Anh luôn gương mẫu trong công tác, sinh hoạt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; giữ gìn mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ.
Lan tỏa giọt hồng yêu thương
Những năm gần đây, nhiều gia đình, dòng họ ở các địa phương trong tỉnh thường xuyên thực hiện nghĩa cử cao đẹp là hiến máu tình nguyện với tâm niệm “Sẻ giọt máu đào – trao đời sự sống”, đã mang lại cơ hội sống cho nhiều người. Gia đình chị Vũ Thị Hồng Thoa (khu 2B, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) là một trong những gia đình điển hình như vậy.
Chị Thoa hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Ngân hàng máu sống 24h trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Chị cho biết: Chị luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc hiến máu cứu người là nghĩa cử cao đẹp cũng như lợi ích của nó mang lại. Đến nay chị đã có 39 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Chị còn vận động chồng tham gia hiến máu nhiều lần. Gia đình chị đã hiến 43 đơn vị máu.
Còn nhiều điển hình gia đình hiến máu, như gia đình bác sĩ Khúc Thị Ngắm (Trưởng Khoa Nội, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) đã cùng chồng 31 lần tham gia hiến máu tình nguyện tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh và Bệnh viện Bãi Cháy. Bác sĩ Ngắm cho biết: Với chuyên môn huyết học lâm sàng nhi khoa, tôi thường xuyên tiếp xúc, điều trị cho những bệnh nhân mắc bệnh lý về máu, nên càng hiểu những giọt máu có ý nghĩa thế nào đối với người bệnh. Do đó, cứ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tổ chức hiến máu là tôi đăng ký tham gia. Với đặc thù của nghề y, thời gian hạn hẹp, nên tôi chủ yếu tham gia hiến máu tại Bệnh viện mình công tác để chủ động trong nhiệm vụ điều trị cho người bệnh là các bệnh nhân bị tan máu bẩm sinh, bạch cầu cấp… Tôi mong muốn tất cả bệnh nhân có nhu cầu đều được truyền máu cấp cứu kịp thời.
Theo bác sĩ Ngắm, chỉ có máu của người khỏe mạnh mới đáp ứng được yêu cầu điều trị cho bệnh nhân bị thiếu hụt, mắc bệnh lý về máu. Căn cứ vào trọng lượng của cơ thể của một người bình thường, hiến không quá 7% so với lượng máu của cơ thể. Lượng máu sau khi hiến sẽ được cơ thể sản sinh ra và phục hồi lại sau một thời gian ngắn nghỉ ngơi, nên mọi người không cần lo lắng khi tham gia hiến máu tình nguyện.
Bác sĩ Ngắm còn vận động người thân, bạn bè, đồng nghiệp tham gia hiến máu tình nguyện; tuyên truyền, phổ biến những lợi ích mà hiến máu đến mọi người xung quanh; hiến máu không chỉ là biểu tượng của tinh thần nhân ái mà còn minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết và sẻ chia. Qua đó góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh và hướng tới tương lai tốt đẹp. Gia đình bác sĩ Ngắm và chị Thoa là 2 trong 6 gia đình được UBND tỉnh tôn vinh, khen thưởng gia đình hiến máu tình nguyện tiêu biểu năm 2024.
Trách nhiệm với cộng đồng xã hội
Ông Vũ Hồng Hải, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Thường trực BCĐ Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, cho biết: Phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa, mở rộng trong cộng đồng. Đặc biệt, ngày 9/6, tỉnh tổ chức tôn vinh người hiến máu tiêu biểu tỉnh, lần đầu tiên tôn vinh các gia đình hiến máu tiêu biểu, với 24 cá nhân và 6 gia đình được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Căn cứ vào chỉ đạo của BCĐ Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, BCĐ Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, các BCĐ địa phương, đơn vị rà soát, chọn lựa những cá nhân, hộ gia đình hiếu máu tiêu biểu để lập danh sách xét duyệt đề nghị tỉnh tôn vinh. Năm nay có sự tham gia đông đảo của đội ngũ y, bác sĩ ngành Y tế và CBCS công an, đều trẻ, nhiệt huyết, cho thấy sự lan tỏa, tinh thần nêu gương và trách nhiệm với cộng đồng xã hội, sẵn sàng tham gia hoạt động xã hội đóng góp giọt máu cứu người.
Theo ông Vũ Hồng Hải, BCĐ các cấp trong toàn tỉnh sẵn sàng, chủ động tổ chức, huy động nguồn máu trong mọi tình huống, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt máu cứu chữa bệnh nhân. BCĐ tỉnh tiếp tục phối hợp với Sở Y tế, Tỉnh Đoàn, Công an tỉnh, chính quyền địa phương… đẩy mạnh tổ chức hoạt động hiến máu thông qua Tháng Nhân đạo, Lễ hội Xuân hồng, Chiến dịch những giọt máu hồng hè, Ngày toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện… để phong trào ngày càng phát triển, lan tỏa.
Theo số liệu của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, đến ngày 8/6/2024 toàn tỉnh đã tổ chức 63 đợt ra quân hiến máu tình nguyện, thu hút 15.000 người tham gia, thu được 12.000 đơn vị máu, đạt 70% kế hoạch giao năm 2024. Những nghĩa cử cao đẹp “Hiến giọt máu đào” của người dân trong tỉnh ngày càng được lan tỏa rộng khắp, thể hiện tinh thần của người Vùng mỏ sẵn sàng sẻ chia yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh mình.